MỐI QUAN HỆ SỐNG CHUNG CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

Từ trước đến nay có quan niệm cho rằng đồng tính là giới tính thứ ba bên cạnh hai giới tính nam và nữ. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Thực chất trong xã hội chỉ có hai giới tính nam và nữ. Vấn đề đồng tính lại liên quan đến một khái niệm gọi là xu hướng tính dục.

1. Một số vấn đề chung về đồng tính và người đồng tính

Xu hướng tính dục[1] là khái niệm dùng để chỉ việc chịu sự hấp dẫn về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục của một người đối với những người cùng giới tính, khác giới tính hay đối với cả hai giớitính…[2]. Thực tế hiện nay có bốn xu hướng tính dục chính, đó là[3]:

(1) Dễ nhận thấy nhất, đông đảo nhất trong xã hội là xu hướng tính dục khác giới (bị hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới tính, không bao giờ mong muốn mình có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra) và thường được gọi làngười dị tính. Chính vì đây là xu hướng tính dục phổ biến nhất của loài người nên mô hình gia đình với sự kết hợp giữa một nam và một nữ là xu hướng đông đảo nhất trong xã hội, trở thành quan niệm truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.

(2) Cùng giới (bị hấp dẫn với người cùng giới tính, không bao giờ mong muốn mình có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra), không chỉ có ở nam giới (tiếng Anh gọi là gay) mà ở cả nữ giới (tiếng Anh gọi là lesbian), được gọi chung là người đồng tính.

(3) Xu hướng song tính (một người không cho rằng mình mang giới tính khác với giới tính sinh học của bản thân và bị hấp dẫn với cả hai giới tính nam và nữ). Trước đây, xu hướng này được sử dụng với thuật ngữ là lưỡng giới. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuật ngữ này sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là người đó mang trong mình cả hai giới tính nam và nữ. Thực chất, họ có cả hai xu hướng tính dục dị tính và đồng tính, không phải mang hai giới tính. Từ đó, thuật ngữ song tính được sử dụng để thay thế thuật ngữ lưỡng giới.

(4) Không bị hấp dẫn tính dục với bất cứ giới nào (asexual – vô tính): đây là xu hướng tính dục thứ tư nhưng chưa được nghiên cứu nhiều.

Với cách phân loại như trên thì đồng tính là một trong số bốn xu hướng tính dục của loài người, không liên quan đến vấn đề giới tính. Xu hướng dị tính chiếm số đông trong xã hội hiện nay. Một người có giới tính nam hoặc nữ hoàn toàn có thể là người dị tính hoặc đồng tính.

Cũng cần quan tâm rằng không phải lúc nào xu hướng tính dục cũng được biểu lộ ra để mọi người nhận thấy và nhiều khi nó được giấu kín. Đây là điều phổ biến đối với các xu hướng tính dục đồng tính và song tính. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bản thân những xu hướng tính dục này chiếm số ít trong xã hội, dễ bị kỳ thị, xa lánh nên họ không muốn công khai. Ngay cả xu hướng đó đã phát triển như thế nào ở một cá thể cũng chưa được chính bản thân họ hiểu rõ và sự hình thành, phát triển ở mỗi người là khác nhau. Nhiều người phải đến lúc trưởng thành mới nhận dạng đầy đủ xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học chia sẻ quan điểm cho rằng nó đã hình thành từ rất sớm ở hầu hết mọi người ngay từ khi còn nhỏ do những tác động qua lại phức tạp của các yếu tố sinh học (yếu tố chính và cơ bản), tâm lý và đời sống xã hội. Trong đó, yếu tố tâm lý, xã hội chỉ là yếu tố phụ, góp phần thể hiện rõ ràng hơn xu hướng tính dục còn yếu tố sinh học vẫn là yếu tố cơ bản quyết định xu hướng tính dục. Một số người đã cố gắng trong nhiều năm để thay đổi xu hướng tính dục từ đồng tính chuyển sang dị tính nhưng không thành công. Do đó các nhà tâm lý không coi xu hướng tính dục là sự lựa chọn có ý thức mà người ta có thể tuỳ ý thay đổi được và đó là bản chất tự nhiên, vốn có của mỗi con người từ khi sinh ra.

Với những nền tảng về xu hướng tính dục như trên, chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về khái niệm đồng tính như sau:

Dưới góc độ khoa học, theo quan điểm của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (American Psychological Association – APA) đồng tính hoàn toàn không phải là một sự rối loạn tâm sinh lý mà là một hiện tượng sinh học tự nhiên, chịu sự tác động qua lại phức tạp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tử cung trong giai đoạn đầu ở thai nhi[4]. Các hành vi tình dục đồng giới, quan hệ yêu đương đồng giới là một trong các dạng thức gắn bó bình thường để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về tình yêu, sự gần gũi và quan tâm.

APA không đưa ra lý giải khoa học cho hiện tượng trên mà chỉ nêu các dẫn chứng, nghiên cứu để đưa đến kết luận có tính chất hiển nhiên về sự tồn tại của xu hướng tính dục đó nhằm loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi các bệnh về rối loạn tâm thần và hướng dẫn xã hội giúp đỡ những người đồng tính luyến ái hòa nhập cộng đồng để có cách nhìn cảm thông hơn với những người này. APA đã loại đồng tính ra khỏi danh sách các triệu chứng và bệnh rối loạn tâm thần vào năm 1973. Đồng thời vào tháng 12/1992, APA đã đưa ra lời kêu gọi thế giới cùng hành động để bảo vệ quyền lợi của những người đồng tính: “Xét thấy luyến ái đồng giới tự thân nó không hề hàm chứa việc có hay không sự thiệt hại, tính ổn định, sự tin cậy, trong năng lực xã hội chung hay khả năng tác nghiệp (ở người đồng tính luyến ái), Hiệp hội Tâm thần học Mỹ kêu gọi các tổ chức y tế trên thế giới và cá nhân các nhà tâm thần học ở các quốc gia hãy thúc đẩy trên đất nước mình việc bãi bỏ những trừng phạt pháp lý đối với tình cảm và tình dục đồng giới có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành. Ngoài ra, APA cũng kêu gọi các tổ chức và cá nhân này hãy thực hiện mọi việc có thể để giảm đi những sỉ nhục có liên quan đến luyến ái đồng giới, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào”[5].

Kết quả các cuộc nghiên cứu, thống kê và khảo sát của các nhà nghiên cứu tâm thần học, nhi khoa khác đều đi đến kết luận đồng tính không phải là sự rối loạn tâm thần mà là một hiện tượng bình thường trong tự nhiên, những người có xu hướng tính dục trên hoàn toàn không phải do sự lựa chọn chủ quan của họ. Ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã xóa bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần.

Trong thực tế hiện nay có nhiều trường hợp được gọi là đồng tính giả. Cách hiểu về trường hợp này cũng chưa thực sự chính xác. Thực ra những trường hợp này thường rơi vào đối tượng những người trẻ tuổi nhất là lứa tuổi chưa thành niên, còn chưa định hình rõ xu hướng tính dục của bản thân nên có thể lầm tưởng mình là người đồng tính. Một số khác chạy theo xu hướng sống thử như một người đồng tính của giới trẻ. Tuy nhiên, những hiện tượng này thực tế không phải là người đồng tính và sau một thời gian, theo tự nhiên hoặc được tư vấn tâm lý, có sự giúp đỡ của gia đình thì họ sẽ sống đúng với xu hướng tính dục của mình. Điều đó cho thấy không phải cứ muốn trở thành người đồng tính là được và cần phân biệt đồng tính với các hiện tượng, trào lưu đồng tính giả.  

Như vậy, cần phải khẳng định lại rằng đồng tính là một xu hướng tính dục hoàn toàn tự nhiên, không phải là giới tính thứ ba như suy nghĩ của nhiều người và cũng không phải là một trào lưu[6]. Về mặt sinh học, người đồng tính vẫn là nam giới/nữ giới và cũng không phải là người song tính (có thể yêu cả giới nam lẫn nữ). Số lượng người đồng tính (có xu hướng tính dục đồng giới) chiếm số lượng rất ít trong xã hội. Họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội (bị đẩy vào thế bất bình đẳng) nên rất cần được sự quan tâm, chia sẻ của xã hội và không nên có các hành vi kỳ thị, xa lánh họ chỉ vì họ là người đồng tính[7].

2. Sự cần thiết thừa nhận mối quan hệ sống chung của người đồng tính

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận mối quan hệ sống chung của một cặp đôi đồng tính với bất kỳ hình thức pháp lý nào. Từ trước đến nay, gia đình trong quan điểm truyền thống của Việt Nam vẫn là sự kết hợp giữa một nam và một nữ và chức năng chủ yếu của hôn nhân vẫn là duy trì nòi giống. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thể chế hôn nhân và gia đình đã có những biến đổi không ngừng đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến người đồng tính. Theo đó, tại các nước trên thế giới hiện nay có ba hình thức sống chung của người đồng tính: kết hôn bình đẳng như người dị tính, sống chung có đăng ký (kết hợp dân sự) áp dụng riêng cho cặp đôi đồng tính và sống chung không có đăng ký; một số nước cũng cho phép người chuyển giới được kết hôn. Tại Việt Nam những năm gần đây, như đã phân tích cộng đồng người LGBT đã và đang hiện diện rõ ràng hơn trong xã hội. Nhu cầu cần được thừa nhận quan hệ sống chung (từ đó phát sinh các nhu cầu về con nuôi, nhân thân, tài sản…) của người đồng tính được thể hiện qua một số điểm sau đây:

Thứ nhất, nhiều đám cưới đồng tính tự phát được tổ chức trong thời gian gần đây tại Việt Nam.

Một số cặp đôi đã tổ chức lễ cưới đồng tính tại Việt Nam như: Đồng tính nữ (tháng 12/2010, Hà Nội); đồng tính nam (6/2011, TP. Hồ Chí Minh); đồng tính nữ (2012, Cà Mau); đồng tính nam (tháng 5/2012, Kiên Giang); đồng tính nữ (tháng 7/2012, Bình Dương). Việc tổ chức này chỉ có ý nghĩa tinh thần, như một thông báo về sự công khai xu hướng tính dục và lựa chọn bạn đời và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Tuy nhiên, đám cưới đồng tính tại Kiên Giang (tháng 5/2012) đã bị Ủy ban nhân dân Phường xử phạt hành chính[8]. Thực tế, hành vi xử phạt này là không đúng vì bản thân cặp đôi này không có đăng ký kết hôn nên không vi phạm quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình (tại thời điểm đó Nghị định số 60/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp cũng không quy định hành vi đăng ký kết hôn cùng giới bị xử phạt vì nếu quy định như vậy là không thực tế[9]). Bản thân khoản 5, Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chỉ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (đăng ký kết hôn) chứ không cấm tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống của Việt Nam. Điều này đã cho thấy có sự tùy tiện trong hoạt động thi hành pháp luật tại Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, thông qua một số nghiên cứu gần đây cho thấy rõ hơn nhu cầu được sống chung có đăng ký, được có quyền kết hôn bình đẳng, quyền được nhận con nuôi chung… như người dị tính của người đồng tính.

- Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của Viện iSEE năm 2012 có 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu trên 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Trong điều tra tương tự năm 2012 do Trung tâm ICS[10] thực hiện với hơn hai nghìn người đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. Trong nghiên cứu đồng tính nữ nói trên của iSEE, nếu pháp luật cho phép, 77% cho rằng họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% cho rằng kết hôn hay không không quan trọng và số còn lại không rõ mong muốn của mình. Về nhu cầu sinh con, 70% người đồng tính nữ muốn có con, 13% không muốn và 17% không rõ.

- Theo khảo sát vào tháng 6 năm 2012 của vnexpress, với câu hỏi “Là người đồng tính, nếu được Luật cho kết hôn thì bạn sẽ làm gì?”, trong số 1299 người đồng tính có 856 người chiếm 65.9% sẽ công khai cưới người yêu, 296 người chiếm 22.8% sẽ chỉ đăng ký, không tổ chức cưới, 91 người chiếm 7% sẽ không cưới, không đăng ký mà về sống chung với nhau, có 28 người chiếm 2.2% sẽ không dám sống chung vì sợ lộ thân phận, còn lại 28 người chiếm 2.2% có ý kiến khác.

Thứ ba, việc pháp luật chưa thừa nhận quan hệ sống chung của người đồng tính khiến họ gặp khó khăn trong quan hệ nhân thân, tài sản và các vấn đề an sinh xã hội khác.

Hiện nay pháp luật không cấm hai người đồng tính được sống chung với nhau nhưng cũng không công nhận bằng một hình thức pháp lý nào. Thực tế cho thấy việc sống chung của cặp đôi đồng tính là điều đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Trong tổng mẫu nghiên cứu định lượng của một nghiên cứu gần đây, có đến gần 62% người tham gia (trong tổng số gần 2.500 người) cho biết họ đang trong một mối quan hệ gắn kết với một người cùng giới[11]. Trong số này, có đến 28,90% cặp đôi đồng tính đang sống chung có sở hữu chung tài sản có giá trị như ô tô, sổ tiết kiệm; 18,40% có góp vốn đầu tư, kinh doanh chung, 7,90% có nhà đất chung (đứng tên cả hai người).

Đối với các cặp đôi dị tính đã kết hôn, một trong hai người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế của cơ quan làm việc và chế độ bảo hiểm này cũng bao phủ cho vợ/chồng và con cái của người đó. Trong khi đó, khá nhiều cặp đôi đồng tính đã sống với nhau nhiều năm, có các đóng góp chi tiêu và sở hữu tài sản chung, bộc lộ mối quan hệ sống chung của mình với gia đình hai bên và bạn bè, nhưng mối quan hệ có bản chất hôn nhân này vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Do vậy, người cùng chung sống không được hưởng chế độ phúc lợi dành cho vợ/chồng.

Bên cạnh đó, một số chế độ phúc lợi liên quan đến các tổ chức công đoàn của các cơ quan nhà nước dành cho vợ/chồng của các cán bộ cũng không thể áp dụng đối với cặp đôi đồng tính (đau ốm, hiếu,…). Điều này cho thấy, thực tế sống chung của người đồng tính là có thật nhưng chưa được pháp luật công nhận nên vô hình chung khiến cho họ không được hưởng những phúc lợi đáng ra phải được hưởng.

Về mặt quan hệ tài sản, mặc dù các cặp đôi cùng giới hoàn toàn có thể đứng tên chung khi mua một mảnh đất, một căn nhà nhưng trong thực tế có nhiều cặp đôi tin tưởng nhau hoặc thiếu hiểu biết pháp luật nên chỉ có một người đứng tên. Điều này đã làm cho quyền lợi của một bên không được đảm bảo, mất tài sản do chí mình tạo ra. Cho dù hai người trong cặp đôi đồng tính đã có sự sắp xếp tài sản trong quá trình chung sống, nhưng người này sẽ không được quyền thừa kế tài sản của người kia nếu một trong hai người qua đời đột ngột (trừ khi di chúc có quy định khác). Trong hoàn cảnh này, sẽ có những tài sản chung phải bán đi để trả phần giá trị đó cho người nhà của người đã mất. Trong cuộc sống chung, nhiều tài sản không chỉ mang ý nghĩa giá trị vật chất mà còn có thể mang giá trị tinh thần, đặc biệt khi một người đã ra đi. Điều này có thể gây ra những trải nghiệm tâm lý rất nặng nề cho người ở lại. Bên cạnh đó, không phải lúc nào mua một món đồ chung, hai người đều thực hiện thủ tục đăng ký dân sự về sở hữu chung tài sản. Bên cạnh đó, do không được thừa nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp, cặp đôi cùng giới không có sự ràng buộc của pháp luật một cách chặt chẽ trong việc sử dụng và định đoạt khối tài sản chung này. Từ đó có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý khi một trong hai người tự ý định đoạt tài sản chung mà chưa có sự chấp thuận của bên kia, có thể làm ảnh hưởng đến nguồn sống của gia đình, thậm chí xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.

Thứ tư, về quyền đại diện cho nhau của cặp đôi đồng tính.

Đại diện cho nhau giữa vợ và chồng là quy định mới trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Trong giao lưu dân sự, phần lớn các chủ thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vì nhiều lý do như bệnh tật, ốm đau, điều kiện công tác mà một người cần người khác thay mình thực hiện công việc, ta gọi quan hệ đó là quan hệ đại diện. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định vấn đề đại diện cho nhau giữa vợ và chồng trên cơ sở phù hợp với Bộ luật dân sự.

Trên thực tế, người đồng tính vẫn tự xây dựng cho mình quan hệ tình cảm và chung sống với nhau như vợ chồng, mặc dù không được pháp luật thừa nhận. Trong nhiều trường hợp, người bạn đời của họ mới là người gần gũi nhất đối với họ chứ không phải là cha mẹ, anh chị em, họ hàng ruột thịt. Mặc dù pháp luật không thừa nhận nhưng họ vẫn xem nhau như một gia đình, giữa các thành viên có sự yêu thương chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần của nhau, gắn bó với nhau không phải bằng nghĩa vụ pháp lý dưới hình thức của tờ giấy đăng ký kết hôn mà bằng sợi dây tình cảm. Vì vậy, cho dù pháp luật về hôn nhân gia đình chưa thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng họ xứng đáng được pháp luật thừa nhận quyền đại diện cho nhau trong những trường hợp cần thiết, ví dụ như một người đau ốm phải điều trị ở bệnh viện, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi cần có người giám hộ. Quy định như vậy mới bảo đảm tính nhân văn của pháp luật, phản ánh đúng giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt. Một cặp đôi đồng tính đã quan ngại về vấn đề này (khi một người là dân di cư từ tỉnh lên thành phố sinh sống): “Nếu có vấn đề gì xảy ra với Hằng[12], ví dụ như phải đi bệnh viện thì em không thể đứng ra kí các giấy tờ đại diện, đảm bảo… chẳng nhẽ mình cứ phải gọi người nhà từ quê lên mới giải quyết được, bọn em cũng không biết thế nào” (Thanh, nữ, xx tuổi)[13].

Để thực hiện được mục tiêu này, pháp luật hôn nhân và gia đình cần có sự ghi nhận mối quan hệ sống chung của cặp đôi đồng tính dưới một hình thức pháp lý nhất định.

Thứ năm, nhu cầu về con cái của cặp đôi đồng tính.

Nhu cầu được sinh con, xin con nuôi chung như đã nêu ở trên là một nhu cầu chính đáng của người đồng tính Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam hiện chỉ quy định hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, nếu những người đồng tính nam muốn có con đẻ, họ phải sử dụng đến dịch vụ đẻ thuê (bất hợp pháp). Trong trường hợp này, người nam đồng tính cùng chung sống cũng không thể nhận là bố nuôi vì pháp luật quy định khi mối quan hệ con nuôi đã được xác định thì bố mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ với người con này nữa (Khoản 4, điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010). Như vậy, rất khó duy trì cả quyền và nghĩa vụ của hai người đồng tính với đứa con. Tương tự như vậy, khi một người đồng tính nữ sinh con, người đồng giới cùng chung sống cũng không thể nhận là mẹ nuôi của đứa con và do đó không thể thực hiện quyền giám hộ khi cần thiết. Đối với trường hợp nhận con nuôi chung (không phải con đẻ của hai người) của cặp đôi đồng tính cũng chưa được pháp luật về nuôi con nuôi cho phép. Trong những trường hợp này, tài sản dùng vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi sẽ là tài sản chung của hai người hay tài sản riêng? Mặt khác, quan hệ cha, mẹ, con, quan hệ thừa kế cũng không phát sinh mà giữa họ chỉ có quan hệ như những người quen biết bình thường. Điều này không bảo đảm các điều kiện thuận lợi thông thường cho việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với con nuôi, nhất là đối với người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định người nhận nuôi con nuôi phải có tư cách đạo đức tốt, có điều kiện thực tế để bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôiĐây là điều kiện hết sức quan trọng để bảo đảm cho người con nuôi, nhất là người con nuôi chưa thành niên, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt, được sống trong một môi trường lành mạnh, thuận lợi cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Tuy nhiên, trong xã hội nói chung và trong bộ máy chính quyền nói riêng hiện vẫn còn nhiều quan điểm phiến diện, sai lầm và thái độ kỳ thị đối với người đồng tính và cho rằng đây là một loại bệnh có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của trẻ em, từ đó từ chối việc cho phép người đồng tính nhận con nuôi.

Qua những thông tin trên cho thấy nhu cầu được công nhận sống chung, được kết hôn, quan hệ tài sản, nhân thân… là những nhu cầu chính đáng của người đồng tính. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, các quan điểm này, dù phản đối hay ủng hộ cũng còn những điều cần làm rõ hơn nữa. Những quan điểm đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: truyền thống, văn hóa (về hôn nhân, gia đình, kết hôn); lo ngại hôn nhân cùng giới ảnh hưởng đến gia đình và xã hội; lo ngại cặp đôi đồng tính ảnh hưởng đến con cái khi được nuôi dạy trong gia đình đồng tính. Chính vì vậy, quan điểm ủng hộ của xã hội Việt Nam về việc bảo vệ quyền cho người đồng tính nói chung và quyền sống chung nói riêng chưa thực sự nhất quán. Thực tế, sự lo ngại, băn khoăn về quan hệ sống chung của người đồng tính luôn tồn tại ở bất cứ quốc gia nào. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, sự lo ngại các vấn đề liên quan đến quan hệ sống chung của người đồng tính là có thật. Có thể sự tiếp thu văn hóa mới đã làm cho người dân thay đổi quan điểm, giảm kỳ thị người đồng tính và thấy rằng cần bảo vệ họ nhưng để chấp nhận cho người đồng tính có quyền kết hôn đầy đủ, nhận con nuôi là điều khó khăn.

Tất cả các vấn đề nêu trên đều được quan tâm, cân nhắc trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thời gian qua. Nhiều ý kiến khi góp ý dự thảo đã đề xuất nên công nhận quyền kết hôn của người đồng tính trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp (các Hội thảo, kỳ họp Quốc hội). Ban soạn thảo Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi cũng đưa vấn đề quyền kết hôn của người đồng tính vào danh sách các vấn đề tham vấn khi bắt đầu xây dựng dự thảo và cân nhắc xây dựng các quy định có liên quan cho đến thời điểm trình Quốc hội (tháng 11/2013). Ủy ban các vấn đề về xã hội (Quốc hội) cũng có những động thái tích cực đối với quyền kết hôn của người đồng tính. Sự quan tâm của các ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan đến quan hệ sống chung của người đồng tính nói riêng và người LGBT nói chung đã cho thấy đây là nhu cầu thực tế và chính đáng.

3. Bình luận mối quan hệ sống chung của người đồng tính trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và khuyến nghị

Qua nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi cho rằng việc ban hành các quy định mới trong luật pháp ở Việt Nam để hợp pháp hóa quan hệ sống chung của người đồng tính là thực sự rất cần thiết. Điều này sẽ có tác dụng góp phần ổn định xã hội, đáp ứng nhu cầu của người đồng tính được sống chung (có sự bảo hộ của Nhà nước), làm cho người đồng tính sống có trách nhiệm với bản thân và đời sống chung hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia vẫn còn nặng nề trong việc gìn giữ quan niệm phổ biến, truyền thống về hôn nhân, gia đình và thực sự khó để thay đổi ngay trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, mối quan hệ đồng giới, các nghiên cứu về quan điểm liên quan đến hôn nhân cùng giới vẫn chưa thực sự rõ nét và người đồng tính chưa thực sự là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị nên công nhận hình thức sống chung có đăng ký (kết hợp dân sự) đối với cặp đôi đồng tính tại Việt Nam. Đây có thể là một bước đệm để tạo điều kiện xem xét, đánh giá thêm mối quan hệ đồng giới trước khi công nhận hôn nhân bình đẳng đối với cặp đôi đồng tính thời gian tới.

Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-11/2013) đang xây dựng theo hướng bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính và chỉ đưa ra các quy định giải quyết hậu quả do việc sống chung như vợ chồng của cặp đôi đồng tính[14]. Nhận định một cách khách quan, quy định của dự thảo là một sự tiến bộ đáng kể trong tư duy làm luật của Việt Nam thời gian qua. Từ chỗ cấm (gây kỳ thị, phân biệt đối xử) đến “không thừa nhận hôn nhân” và thừa nhận hình thức “sống chung không có đăng ký” cũng có những điểm tích cực nhất định. Tuy nhiên, những quy định này của dự thảo dường như vẫn còn gây nhiều băn khoăn:

- Đầu tiên, việc không quy định cấm nhưng cũng quy định không thừa nhận gây sự hiểu nhầm nhất định. Nhiều người cho rằng quy định như vậy là nửa vời. Nếu vẫn theo định hướng hiện nay, để rõ ràng hơn, ngay sau câu “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính” nên bổ sung thêm câu “chỉ thừa nhận quan hệ sống chung không có đăng ký”.

- Hai là, quy định của dự thảo hiện nay không thực sự đáp ứng yêu cầu đang đặt ra của xã hội về nhu cầu sống chung có đăng ký của người đồng tính, từ đó liên quan đến các quyền về nhân thân, tài sản, con cái. Quy định về giải quyết hậu quả do sống chung như vợ chồng không có đăng ký không đảm bảo được hết quyền lợi của các bên trong cặp đôi đồng tính.

- Ba là, quan hệ sống chung không có đăng ký của người đồng tính và dị tính khác nhau ở chỗ: cặp đôi nam nữ hầu hết các trường hợp được quyền kết hôn nhưng họ lại sống chung không có đăng ký, trong khi đó cặp đôi đồng tính không có quyền kết hôn nên đôi khi họ sống chung, từ đó phát sinh nhiều vấn đề về quyền lợi chung, lợi ích của bản thân mỗi người trong cặp đôi. Chính vì vậy, dùng các quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn để áp dụng cho cặp đôi đồng tính sống chung là không thực sự phù hợp về mặt bản chất.

- Bốn là, nếu không hợp pháp hóa quan hệ sống chung của người đồng tính dưới hình thức có đăng ký sẽ dễ gây bất ổn trong xã hội và thực thi pháp luật. Việc không công nhận quan hệ sống chung có đăng ký của cặp đôi đồng tính cũng dễ dẫn đến sự kì thị trong xã hội và sự cẩu thả trong hoạt động thi hành pháp luật. Ví dụ như đã nêu ở phần trên, đám cưới của hai đồng tính nam tại Kiên Giang năm 2012 đã bị Ủy ban nhân dân Phường xử phạt hành chính[15]. Hơn nữa, không công nhận mối quan hệ sống chung có đăng ký sẽ tiếp tục khiến cho nhiều người đồng tính vì sức ép từ gia đình, kỳ thị mà phải cưới người dị tính. Và do vậy, mục đích và nguyên tắc của hôn nhân sẽ không thực sự được đảm bảo.

- Năm là, quy định của dự thảo cũng thiếu tính dự báo. Nếu không công nhận quan hệ sống chung có đăng ký thì có thể khoảng 10 năm nữa khi tiếp tục đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề kết hôn đồng tính sẽ vẫn được đặt ra nhưng sẽ không có cơ sở đánh giá từ thực tiễn để xem xét, nghiên cứu công nhận hay không. Việc cho phép sống chung có đăng ký sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước xem xét, đánh giá quan hệ đồng giới một cách chính xác, có cơ sở hơn so với việc chỉ đưa ra quy định giải quyết hậu quả do việc sống chung không có đăng ký. Với tình hình hiện tại, nhất thiết phải có quy định điều chỉnh mối quan hệ sống chung có đăng ký của người đồng tính. Nếu không tạo cơ hội cho người đồng tính chứng minh sự bền vững trong việc sống chung thì xã hội khó đạt được tính căn bản bền vững, giá trị xã hội của pháp luật cũng khó được đảm bảo và phát huy.

Từ đó, chúng tôi cho rằng dự thảo Luật nên sửa lại theo hướng có một điều riêng quy định về quyền kết hợp dân sự (sống chung có đăng ký) của cặp đôi đồng tính với những điều kiện nhất định (độ tuổi, có đầy đủ năng lực dân sự…). Việc cho phép sống chung có đăng ký sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước xem xét, đánh giá quan hệ đồng giới một cách chính xác, có cơ sở hơn so với việc chỉ đưa ra quy định giải quyết hậu quả do việc sống chung không có đăng ký. Sự thừa nhận của pháp luật sẽ cho phép họ chung sống công khai, được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trong mối quan hệ và đẩy lùi một cách cơ bản những định kiến, kỳ thị của xã hội, tạo điều kiện cho họ sống tốt và cống hiến cho xã hội. Quan hệ sống chung có đăng ký cũng không làm ảnh hưởng đến chế định hôn nhân truyền thống, chưa gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội Việt Nam.

Đồng thời với quy định về hình thức sống chung có đăng ký của cặp đôi đồng tính, Dự thảo Luật Hộ tịch (đang được Bộ Tư pháp soạn thảo) nên đồng thời bổ sung quy định về đăng ký sống chung có đăng ký cho cặp đôi đồng tính (đăng ký, hủy đăng ký, mẫu đăng ký, mẫu hủy đăng ký). Việc đăng ký này sẽ được ghi vào một Sổ riêng với mẫu Đăng ký khác so với mẫu của cặp đôi nam nữ (thay thuật ngữ vợ/chồng bằng thuật ngữ: bên thứ nhất, bên thứ hai…). Bên cạnh đó, pháp luật cũng nên bổ sung quy định về quan hệ đăng ký kết hợp dân sự có yếu tố nước ngoài (tương tự như quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài)[16].


[1] Cũng có người sử dụng thuật ngữ “xu hướng tình dục” (mang màu sắc nhu cầu tình dục, sinh lý) tuy nhiên tác giả sử dụng thuật ngữ “xu hướng tính dục” để thể hiện trong đó bao gồm cả mặt tình cảm, không đơn thuần chỉ là mặt sinh lý hay tình dục. Xu hướng ở đây được hiểu là về mặt bản chất, không phải là một trào lưu.

[2] Sexual orientation refers to the sex of those to whom one is sexually and romantically attracted. Categories of sexual orientation typically have included attraction to members of one’s own sex (gay men or lesbians), attraction to members of the other sex (heterosexuals), and attraction to members of both sexes (bisexuals). While these categories continue to be widely used, research has suggested that sexual orientation does not always appear in such definable categories and instead occurs on a continuum (e.g., Kinsey, Pomeroy, Martin, & Gebhard, 1953; Klein, 1993; Klein, Sepekoff, & Wolff, 1985; Shiveley & DeCecco, 1977) In addition, some research indicates that sexual orientation is fluid for some people; this may be especially true for women (e.g., Diamond, 2007; Golden, 1987; Peplau & Garnets, 2000).

TRƯƠNG HỒNG QUANG – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp