Hơn 80.000 ha đất vi phạm chưa được thu hồi

ộ Tài nguyên và Môi trường công bố đã phát hiện 190.453 ha đất sai phạm sau thanh tra, trong đó hàng chục nghìn ha đất chưa được thu hồi.
Hơn 80.000 ha đất vi phạm chưa được thu hồi

Con số trên vừa được đưa ra tại buổi thông báo kết quả thanh, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường do Bộ trên tổ chức. Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ cho biết, từ 2012 đến tháng 10/2013, các đơn vị thanh tra thuộc Bộ thực hiện 173 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực như đất đai, môi trường..., thu hàng chục triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

Trong đó đáng chú ý là lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên đã phát hiện 190.453 ha vi phạm, nhưng còn 83.791 ha đất vi phạm chưa được thu hồi…

Về vấn đề này, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Theo quy định của pháp luật, dự án không triển khai quá 12 tháng hoặc triển khai chậm quá 24 tháng là thu hồi nhưng việc thu hồi không đơn giản nếu chủ đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng".

"Nhiều địa phương gặp khó vì không đủ kinh phí để hoàn trả cho chủ đầu tư đã trả tiền thuê đất, sử dụng đất. Bởi vậy, các địa phương cũng chưa kiên quyết”, ông Hiển cho hay.

Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho hay, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, bất động sản trầm lắng, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai dự án.

"Nếu việc chậm triển khai dự án do lỗi khách quan thì doanh nghiệp sẽ được xem xét gia hạn. Thời gian gia hạn sẽ do địa phương quyết định, nhưng không quá 12 tháng. Còn nếu dự án chậm trễ do chủ đầu tư thiếu năng lực thì kiên quyết thu hồi. Bộ đã yêu cầu các địa phương tích cực thu hồi phần diện tích sai phạm”, ông Lịch nói.

Cũng trong lĩnh vực này, đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua tổng hợp ở 63 tỉnh thành, Bộ Tài nguyên cho biết trong số 8.159 tổ chức vi phạm thì mới xử lý được 5.178 tổ chức (đạt 63,4%).

Bên cạnh lĩnh vực đất đai, Bộ Tài Nguyên cũng đưa ra kết quả thanh tra trong nhiều lĩnh vực khác, và phát hiện 47 trong tổng số 76 dự án thủy điện trên địa bàn 16 tỉnh chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo qui định; 100% dự án đang phát điện không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, nhiều công trình thủy điện đã và đang xây dựng, phần lớn là thủy điện nhỏ không bố trí phương án công trình để chủ động xả nước về hạ du gây ra tranh chấp về nguồn nước.