QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN BẢO HỘ TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO ĐIỆN TỬ.

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN BẢO HỘ TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO ĐIỆN TỬ.

Cơ sở pháp lý

+ Bộ luật Dân sự năm 2015;

+ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

+ Nghị định số 131/2013/NĐ- CP;

+ Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.

1. Khái quát về bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả là một chế định pháp luật tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành xác định các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; quy trình xác lập và bảo vệ các quyền đó khi được thực hiện và khi có hành vi vi phạm. Pháp luật trao cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm các quyền nhân thân và tài sản mà bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng không được xâm phạm.

Báo chí tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. So với các loại hình báo chí khác, báo điện tử ra đời muộn hơn truyền hình, báo in, phát thanh nhưng lại có rất nhiều ưu thế như về tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao, tính cá nhân triệt để... nên đã mạnh mẽ thu hút công chúng hiện đại - nhất là giới trẻ. Báo điện tử là đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả. Vì những ưu điểm nổi bật của mình nên loại hình này hiện nay đang bị xâm phạm quyền tác giả vô cùng nhiều nếu không muốn nói là đáng báo động.

2. Quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP). Theo đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện: Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác.

Quyền tác giả được xác lập theo cơ chế bảo hộ tự động. Quyền tác giả được xác lập dựa vào chính hành vi tạo ra tác phẩm của tác giả, không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục nào. Nó khác với quyền sở hữu công nghiệp, được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu các đối tượng đó.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quyền tác giả cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.

Quyền nhân thân gồm các quyền như: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản của tác giả bao gồm: (i) Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. (ii) Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả thì được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê.

Như vậy, về cơ bản, nội dung quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của luật pháp quốc tế. Pháp luật Việt Nam quy định rõ quyền nhân thân bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

3. Quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử

Báo điện tử là loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang website và phát hành dựa trên nền tảng internet. Báo điện tử được xuất bản bởi tòa soạn điện tử, còn người đọc báo dựa trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet.

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quyền tác giả nói chung được hiểu như một tập hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo khái niệm trên, có thể hiểu, luật thừa nhận hai chủ thể có quyền tác giả là tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định này thì cá nhân có thể là chủ sở hữu quyền tác giả hay tác giả của tác phẩm hoặc cả hai tư cách đó.

Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm báo điện tử là tổng hợp các chế định pháp lý nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử. Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm điện tử tạo điều kiện cần thiết các chủ thể quyền tác giả được hưởng đầy đủ quyền và lợi vật chất, đồng thời, còn giúp cho chủ thể tránh khỏi những hành vi xâm phạm có thể xảy ra, tạo động lực để thực hiện sứ mệnh phát triển nền kinh tế tri thức.

Không phải mọi tác phẩm báo điện tử nào cũng đều được bảo hộ mà chỉ có những tác phẩm báo điện tử đáp ứng một số tiêu chí nhất định mới là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ khi nội dung của tác phẩm báo điện tử không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, không có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia.

Điều 9 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định, tác phẩm báo chí được bảo hộ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

4. Điều kiện công nhận tác giải với báo điện tử

Để được công nhận là tác giả đối với tác phẩm báo điện tử cần phải thỏa mãn các tiêu chí cụ thể:

Một là, tiêu chí về tính nguyên thủy (hay còn gọi là tính gốc của sáng tạo thể hiện tác phẩm báo điện tử). Tính nguyên thủy có nghĩa là sự sáng tạo của chính tác giả, không sao chép toàn bộ hoặc một phần cơ bản từ tác phẩm khác, bao gồm: (i) Tính sáng tạo, không phải là cách sắp xếp diễn đạt đơn thuần, bắt chước cách diễn đạt, thể hiện ngôn từ, màu sắc, khuôn mẫu có sẵn trong tác phẩm của người khác; (ii) Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ phải là bản gốc (bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra; (iii) Bảo đảm tính toàn vẹn của tác phẩm báo điện tử.

Hai là, tiêu chí về định hình dưới một dạng vật chất nhất định.

Ba là, tiêu chí về phạm vi chủ thể thông thường được xác định trên cơ sở pháp luật nơi thực hiện hành vi sáng tác hoặc công bố tác phẩm.

Để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử thì phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử phải bảo đảm tính nguyên gốc tức là tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ bất cứ một tác phẩm của người khác; (ii) Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm báo điện tử chứ không bằng nội dung lý tưởng, điều này có nghĩa là tác phẩm báo điện tử về bảo hộ phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định, những tác phẩm báo điện tử mới chỉ là ý tưởng chưa được sáng tạo cụ thể thì không được bảo hộ.

Cơ chế bảo hộ tác phẩm báo điện tử được xác lập tự động sau khi tác phẩm được hoàn thành, không cần được đánh giá và công nhận, cũng không cần thông qua thủ tục cấp bằng bảo hộ. Việc nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả.

5. Biện pháp hành chính đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả báo điện tử

Đây là việc cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc phát hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm. Khi xử lý hành chính, tùy vào hành vi xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục. Cơ chế này được sử dụng nhiều nhất, các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thường chọn cơ chế này do thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.

Chế tài hành chính hiện nay quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ- CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hành vi có thể bị xử phạt hành chính như: Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm; Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng; hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm...

Như vậy, việc lựa chọn cơ chế áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là quyền mà pháp luật trao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trước tiên cần nhận biết được hành vi nào là vi phạm quyền tác giả, đồng thời cần có ý thức bảo vệ tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Khi tác phẩm báo điện tử bị xâm phạm quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu cần cân nhắc việc lựa chọn cơ chế bảo vệ phù hợp với hoàn cảnh, thời gian, công sức cũng như danh dự, uy tín... của mình để có sự lựa chọn phù hợp nhất.