30/12/2011 Công văn số 3862/BNN-HTQT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

V/v Phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cao vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới”
30/12/2011 Công văn số 3862/BNN-HTQT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3862/BNN-HTQT
V/v Phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cao vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới”

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phúc đáp công văn số 8835/BKHĐT-KTĐN ngày 21/12/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án “Nâng cao vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin giải trình như sau:

1. Về hình thức: Bộ đã chỉnh sửa theo Mẫu đề cương chi tiết dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA của Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Nội dung:

- Phần bối cảnh và sự cần thiết của dự án: đã được viết lại và nêu rõ tầm quan trọng của các chương trình phát triển nông thôn trong đó có đề cập tới các nguồn lực đầu tư và đặc biệt là vai trò kiểm soát của người dân đối với các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

- Dự án được thiết kế theo phương pháp kết quả đầu ra và thời gian thực hiện ngắn nên các hoạt động được đưa ra cụ thể và chi tiết nhằm đạt được kết quả. Nội dung chủ yếu là Biên soạn tài liệu hướng dẫn triển khai nội dung của Chương trình MTQT về xây dựng nông thôn mới và đào tạo nên các hoạt động được liệt kê cụ thể. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là đơn vị được giao thực hiện Chương trình MTQG sẽ giám sát việc Biên soạn tài liệu và đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới.

- Phần mục tiêu dự án và các kết quả đầu ra: Dự án thiết kế các hoạt động với kết quả đầu ra nhằm đạt được mục tiêu ngắn hạn. Cụ thể: tài liệu được biên soạn thể hiện sự phân cấp rõ ràng, vai trò kiểm soát đối với các nguồn lực của người dân được nâng cao, dân chủ cơ sở được thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Phần cơ chế tài chính trong nước đối với dự án: Đóng góp của phía Chính phủ Việt Nam cho dự án sẽ dưới dạng hiện vật qui đổi và tiền mặt là 430.000.000 VNĐ, bao gồm:

+ Hiện vật qui đổi bao gồm chi phí cho văn phòng làm việc, các phương tiện vận chuyển và một số thiết bị khác có liên quan (sử dụng cơ sở vật chất của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới), ước khoảng 180.000.000 VNĐ.

+ Phần tiền mặt bao gồm tiền lương, phụ cấp lương cán bộ dự án, chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm…): 250.000.000 VNĐ được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Phần tổ chức thực hiện: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới – cơ quan thực hiện dự án, sẽ chịu trách nhiệm cho việc phối hợp với tất cả các tỉnh, huyện và Ban Quản lý xây dựng NTM xã. Văn phòng Điều phối sẽ thành lập Ban Quản lý dự án do một Lãnh đạo Văn phòng làm giám đốc dự án và các cán bộ dự án là thành viên của Văn phòng Điều phối.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kèm theo công văn 06 bộ văn kiện chỉnh sửa theo góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị quý Bộ sớm xem xét, hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình Chính phủ phê duyệt danh mục dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong nhận được sự hợp tác của Quý Bộ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Bộ Tài chính, Tư pháp, và Ngoại giao;
- Cục Kinh tế hợp tác và PTNT;
- Lưu VT, HTQT (NTH-08).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa